Bảo tồn chè tiến vua

Bình ĐịnhVùng chè cổ thụ Ô Long ở xã An Toàn, huyện An Lão được bảo tồn, định hướng thành đặc sản địa phương, tạo sản phẩm thu hút du lịch.

UBND huyện An Lão vừa đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho phép quy hoạch bảo tồn và phát triển chè cổ thụ Ô Long (người dân gọi là chè tiến vua). Vùng chè này nằm chủ yếu ở xã An Toàn với hơn 1.000 gốc trên trăm năm tuổi, diện tích 1,9 ha. Chè tiến vua mọc trên bãi cổ Gia Long, đa số cao đến 4m, thấp nhất cũng cao gần 1m. Người địa phương gọi đây là thuốc bổ của rừng do hương vị đặc biệt và bổ dưỡng.

Theo định hướng, chè tiến vua An Toàn sẽ là sản phẩm đặc trưng địa phương, làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch. Năm 2019 huyện An Lão đã lập các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè tiến vua An Toàn – An Lão”. Huyện đã đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm này.





Cán bộ chăm sóc, bảo tồn khu vực chè tiến vua An Toàn. Ảnh: Thu Dịu

Cán bộ chăm sóc, bảo tồn khu vực chè tiến vua An Toàn. Ảnh: Thu Dịu

Theo đề xuất mới nhất của địa phương, vùng chè tiến vua sẽ được quy hoạch và bảo tồn theo hướng phục vụ du lịch trải nghiệm cộng đồng. Lãnh đạo huyện An Lão cho biết việc quy hoạch sẽ góp phần bảo tồn được diện tích chè cổ thụ, xây dựng và hình thành không gian văn hóa gắn với chè tiến vua An Toàn. Mục tiêu của địa phương là tạo sinh kế phát triển bền vững cho người dân, đặc biệt là giúp đồng bào Ba-na bám đất, bám rừng và sống được nhờ sản vật dưới tán rừng,

Ngoài bảo tồn khu vực chè cổ thụ, huyện An Lão dự kiến khảo sát toàn bộ các vùng chè khoảng 5.000 ha, ở ba thôn thuộc xã An Toàn. Toàn bộ sẽ được khoanh vùng, bảo vệ và chăm sóc để có thể khai thác sản phẩm. Huyện sẽ tham vấn các đơn vị có chuyên môn để thực hiện nghiên cứu sâu hơn về công tác bảo tồn nhằm nhân giống chè. Trước mắt, các đơn vị đã tiến hành đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên để nghiên cứu các sản phẩm.





Một góc huyện An Lão, nơi có độ cao khoảng 1.000 mét. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Một góc huyện An Lão, nơi có độ cao khoảng 1.000 mét. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có độ cao khoảng 1.000 mét. Phía Bắc giáp Quảng Ngãi, phía Tây giáp Gia Lai. Huyện có khí hậu mát mẻ quanh năm, với nhiều đồi núi, thác đá, dòng suối, rừng và rừng nguyên sinh. Dân cư của huyện chủ yếu là người dân tộc Kinh, Hre và Ba-na, sống dựa vào nông nghiệp. Trong đó, xã An Toàn được xem là nơi có tiềm năng phát triển du lịch với cảnh quan đẹp, hùng vĩ.

Hoài Phương


Nguồn: vnexpress.net

Related Posts