Hướng dẫn kỹ năng bán hàng cho người dân tộc thiểu số

Sở Công thương Bình Đình hướng dẫn kỹ năng tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại cho hơn 50 học viên là người đồng bào thiểu số miền núi.

Lớp tập huấn tại huyện An Lão nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Hơn 50 học viên thuộc các hợp tác xã, hộ kinh doanh được PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Trường Đại học Thương mại Hà Nội chia sẻ nhiều nội dung. Lớp tập trung vào kiến thức thị trường hiện nay và năng lực xúc tiến thương mại, kỹ năng tiếp cận thị trường.

Buổi hướng dẫn kỹ năng bán hàng ngày 11/10. Ảnh: Báo Bình Định

Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng bán hàng cho người dân tộc thiểu số tại An Lão, Bình Định . Ảnh: Báo Bình Định

Tham gia buổi hướng dẫn, học viên người đồng bào dân tộc thiểu số nắm được nhiều kiến thức về kỹ năng bán hàng, phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại. Dần dần, người dân các vùng miền núi hình thành thói quen kinh doanh bền vững, dài hạn, tạo sinh kế phát triển kinh tế, thúc đẩy việc quảng bá các sản phẩm OCOP.

Huyện An Lão, nơi tổ chức lớp hướng dẫn, là một trong ba địa phương miền núi của Bình Định với độ cao khoảng 1.000 mét. Đây cũng là huyện có dân số vào hàng thấp nhất tỉnh. Theo thống kê, huyện có 32.000 người, là nơi tập trung đồng bào dân tộc Hre và Bana. Thời gian qua, An Lão đã xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội miền núi gắn với xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Hàng trăm công trình phục vụ dân sinh được xây dựng. Các hộ nghèo nhận hỗ trợ vốn và vật tư sản xuất nông nghiệp.

Người Bana tại huyện An Lão sinh hoạt cồng chiêng. Ảnh: Dũng Nhân

Người Bana tại huyện An Lão sinh hoạt cồng chiêng. Ảnh: Dũng Nhân

Phát triển kinh tế – xã hội nông thôn là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của Bình Định nhất là khi địa phương có nhiều huyện miền núi. Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để đầu cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với kinh phí gần 256 tỷ đồng. Trong đó, huyện An Lão được phân bổ gần 91 tỷ đồng, huyện Vĩnh Thạnh hơn 61 tỷ đồng, huyện Vân Canh hơn 55 tỷ đồng, huyện Hoài Ân gần 32 tỷ đồng và huyện Tây Sơn gần 17 tỷ đồng.

Theo đại diện Ban Dân tộc, tỉnh đặt mục tiêu đến 2025, toàn bộ xã ở các huyện miền núi có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, trên 95% thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa. Đồng thời, các huyện xây dựng cầu dân sinh kiên cố để liên kết giữa các xã khó khăn với các khu vực xung quanh.

Ngoài ra, các huyện miền núi cũng có tiềm năng phát triển du lịch gắn với sinh thái, núi rừng và văn hóa các dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đưa các sản phẩm đặc trưng của người đồng bào đến các triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại.

Hoài Phương


Nguồn: vnexpress.net

Related Posts