Tết luôn có nhiều điều thú vị mà làm ta luôn mong chờ, từ cành mai vàng xum xuê cho đến những vật bài trí trong nhà vào những ngày đầu năm. Mâm ngũ quả là một trong những phần không thể thiếu của 1 cái Tết. Ngoài việc là vật trang trí, mâm ngũ quả còn mang nhiều ý nghĩa thú vị; cùng Tikisales tìm hiểu về mâm ngũ quả ngày Tết ngay dưới đây nhé!
Mâm ngũ quả ngày tết miền bắc
Mâm ngũ quả gồm
- Chuối xanh
- Trái phật thủ hoặc bưởi
- Các loại quả nhỏ hơn: Cam, quýt, mận, táo…
- Mâm đựng tròn
Cách trình bày
- Đầu tiên bày nải chuối xanh ngay chính giữa và bao trùm toàn bộ dĩa. Chuối xanh là loại quả chủ lực nên được bày đầu tiên và có nhiệm vụ nâng đỡ tất cả các loại quả còn lại và nhất quyết nải chuối phải là loại trái cây nằm dưới cùng.
- Tiếp theo bạn bày phật thủ hoặc bưởi thay thế (một trong hai loại quả bạn chọn loại quả nào cũng được vì có ý nghĩa tương tự nhau). Tuy nhiên với những người theo phật hoặc theo đạo thì nhất quyết phải dùng quả phật thủ. Một trong hai loại quả này sẽ được đặt ngay chính giữa nải chuối.
- Cuối cùng các loại quả nhỏ khác được trình bày xung quanh giữa kẽ của các quả chuối hoặc đặt phía trên quả chuối sao cho đẹp mắt và gọn gàng là được. Mâm ngũ quả của người miền Bắc phải càng tròn trịa khi bố trí sắp xếp các loại quả xong thì càng tốt và càng có ý nghĩa.
Ý nghĩa
- Mâm ngũ quả thể hiện toàn diện và đầy đủ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”của dân tộc ta. Đây chính là tỏ rõ lòng thành kính và sự biết ơn của người dân tới ông bà tổ tiên, các đấng sinh thành cũng như những người che chở họ trên cao mà họ thầm kính trọng, ngưỡng mộ.
- Mâm ngũ quả còn mang ý nghĩa là sự báo cáo thành quả lao động gặt hái được sau một năm của cả đại gia đình gia chủ muốn báo cáo lên cho ông bà tổ tiên biết.
- Mâm ngũ quả chính giữa bàn thờ – nơi trang trọng và linh thiêng nhất trong gia đình còn mang ý nghĩa tâm linh hết sức tốt đẹp là mong muốn ông bà tổ tiên, những người ở trên cao phù trì phù hộ cho con cháu trong năm mới với nhiều điều tốt đẹp và may mắn hơn; mong ngóng bà che chở con cháu vượt qua những điều tai ương hoặc vận xấu kém may mắn có thể ập tới.
Mâm ngũ quả ngày tết miền nam
Khác với mâm ngũ quả ngày tết miền trung hay miền bắc, mâm ngũ quả miền nam có nhiều điều đặc biệt.
Mâm ngũ quả gồm
Với người miền Nam, mâm ngũ quả ngày tết bao gồm “Cầu sung vừa đủ xài”. Mỗi chữ cũng là đại diện cho những loại quả chính được trưng bày trong mâm ngũ quả của người miền Nam. Ở đây “cầu” chính là trái mãng cầu (hay trái na ở miền Bắc), “sung” chính là trái sung, “vừa” là cách nói theo ngữ điệu, chính là quả dừa, “đủ” là quả đu đủ và cuối cùng “xài” chính là quả xoài.
Lưu ý: Các loại quả sau không nên đặt trong mâm ngũ quả miền nam: chuối (thể hiện sự khó khăn, chúi nhủi, nguy khốn), lê, táo (thể hiện sự lê lết, khó phất lên được), cam, quýt (quýt làm cam chịu).
Cách trình bày
Chuẩn bị một cái mâm hoặc một cái khay đủ để sắp xếp những loại quả này, thông thường mỗi loại quả sẽ có số lượng từ 3 trở lên. Những loại quả kích thước lớn sẽ nằm ở phía dưới và hướng đến mắt người nhìn. Vậy ta sẽ có đu đủ, dừa, xoài ở phía dưới. Xếp bên trên là mãng cầu và những chùm sung làm sao có thể tạo được hình dáng giống một tòa tháp là được. Thêm 2 – 3 quả thơm để cho mâm ngũ quả vững chắc hơn, hai quả dưa hấu sẽ để bên cạnh khi bài trí xong.
Ý nghĩa
- Mãng cầu: mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng
- Sung: sự sung túc, sung mãn về tình cảm, tiền bạc
- Dừa: cầu mong cuộc sống vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn
- Đủ: cầu mong sự no đủ cả về kinh tế và tình cảm, đầy đủ thịnh vượng trong cuộc sống
- Xoài: việc tiêu xài không cần lo nghĩ
Mình vừa giới thiệu cho các bạn về cách trình bày cũng như ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết của miền Nam và miền Bắc. Thật sự thú vị khi ở các miền lại có sự khác nhau trong văn hóa cúng kiến đúng không nào. Rất hy vọng đã mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích về Tết.